Nói về vùng biển Hạ Long, thực khách sẽ nhớ ngay tới một loạt món hải sản tươi ngon quen thuộc như sá sùng, chả mực, sam hay cua ghẹ. Nhưng nói tới “ruốc chân dài” hay ruốc lỗ không phải ai cũng biết.
Tuy cùng họ với bạch tuộc nhưng loài này chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái một chút. Chúng đào lỗ dưới bùn ở những bãi vẹt, chỉ sống quẩn quanh ven miệng lỗ. Con ruốc có đầu bé xíu nhưng chân dài tới 20 cm nên gọi là “ruốc chân dài” để phân biệt với những loài “ruốc chân ngắn” sống ở biển.
Mùa ruốc chân dài có từ độ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Khi đó, ruốc trắng và thịt thơm ngon nhất so với những tháng khác trong năm. Tầm tháng 9, tháng 10, ruốc đẻ trứng. Người dân gọi đó là ruốc cơm xôi có hương vị béo ngậy khác hẳn bình thường. So với những nơi khác, nước ở biển Quảng Ninh không quá mặn nên con ruốc cũng thơm ngon hơn.
Muốn bắt được ruốc chân dài, người ngư dân phải dùng kỹ thuật cao hơn so với hải sản thông thường. Họ sẽ dùng lồng bát quái, lưới hoặc soi từ trong lỗ nơi con ruốc sinh sống.
Con ruốc tươi ngon có màu xám ánh xanh, thân nhiều nhớt, xúc tu chân đều, cử động linh hoạt, bám chặt vào thành giỏ. Khi nấu chín, chúng chuyển sang màu hồng bắt mắt với những giác bám quăn lại hình vòng tròn nhỏ.
Không thiếu gì cách chế biến ruốc chân dài, có thể đổi món với xào sả, cần tỏi, nấu canh chua, làm ruốc, hấp gừng, nhúng dấm... Nhưng cách phổ biến hơn cả là hấp với lá ổi.
Với món luộc, ruốc trước khi sơ chế phải tươi sống. Sau đó rửa sạch chúng với nước muối, xóc qua lại cho sạch chất nhờn. Nồi hấp sẽ cho thêm lá ổi, sả, lá me chua lót bên dưới, đặt lớp ruốc phía trên, đậy vung và hấp trong 5 phút. Vị chát từ lá ổi khiến thịt ruốc săn lại, quyện cùng mùi sả và chua dịu của lá me.
Món ruốc hấp thành phẩm có màu hồng tự nhiên, thơm dịu, ăn kèm cùng mắm tôm chanh ớt đánh sủi bọt và các loại rau thơm khác. Ruốc hấp là món nhậu rất đưa rượu, khiến thực khách bị mê hoặc từ miếng đầu tiên.
Huy Hoàng
Tổng hợp