Niềm tự hào của dân tộc
Theo Từ điển tiếng Việt, “biểu tượng là hình ảnh tượng trưng, là hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan đã chấm dứt”. Biểu tượng còn là một loại ký hiệu đặc biệt, giúp ta liên tưởng đến những điều sâu xa hơn dáng vẻ bề ngoài. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một biểu tượng mang giá trị văn hóa vật thể, nhưng còn hàm chứa trong đó giá trị văn hóa phi vật thể nhờ tính biểu tượng. Hơn nữa, biểu tượng còn gợi được những điều sâu xa hơn hình thức bên ngoài. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông. Trong Văn Miếu, người ta đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, vẽ tượng thất thập nhị hiền. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu và được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 82 văn bia, là những tư liệu văn tự gốc, độc nhất, vô cùng quý giá.
Văn Miếu - Quốc tử Giám có giá trị biểu trưng đối với Nho giáo, tương tự như chùa đối với Phật giáo, nhà thờ đối với Thiên Chúa giáo. Nho giáo xâm nhập vào nước ta khoảng đầu Công nguyên, hưng thịnh nhất dưới triều Lê và trở thành quốc giáo. Đến khi thực dân phương Tây xâm lược, Nho giáo suy vi. Ngày nay, Nho giáo không còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt đời sống như xưa.
Sự hiện diện của Văn Miếu - Quốc Tử Giám khiến chúng ta không thể lãng quên nét văn hiến ngàn đời của dân tộc. Người ta bước chân vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng tựa như học trò xưa tầm sư học đạo. Do tích xưa mà các từ ngữ sân Trình, cửa Trình hay sân Tuyết, cửa Tuyết chẳng những chỉ nơi học tập đạo Nho mà còn có thêm nét nghĩa chỉ ý chí quyết tâm học tập của những người có chí tiến thủ. Các sĩ tử thi đại học tại Hà Nội trước mỗi kỳ thi, nhiều người không quên ghé vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu mong đỗ đạt trên đường học vấn.
Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, giống như mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, từ đó giúp rất nhiều vương triều mở đầu công cuộc chấn hưng đất nước. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của “nguyên khí quốc gia” vì là nơi đào tạo sĩ tử và hơn thế nữa, là nơi tôn vinh nhân tài. Ngay tấm bia đầu tiên khoa thi năm 1442 đã nêu lên vai trò và vị trí của kẻ sĩ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo gây dựng nhân tài”. Mỗi 1 tấm bia trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngoài ý nghĩa tường minh, còn mang nhiều hàm ý khác nhau. Bia năm 1565 có viết: “Dựng bia vừa để công danh còn mãi đến muôn đời, vừa để sự nghiệp soi sáng cho ngàn thuở”.
Các bia đó còn khẳng định vai trò và giá trị các nhân tài, cổ vũ khuyến học, răn dạy kẻ sĩ về đạo lý, về trách nhiệm đồng thời thể hiện quan điểm, thái độ của quân, thần,… mà người đời sau nên học hỏi. Trong thời đại kinh tế tri thức, những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng trở nên giàu ý nghĩa. Điều đó khiến chúng ta hiểu được không phải ngẫu nhiên mà Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước được long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Biểu tượng của mùa xuân
Văn Miếu - Quốc Tử Giám đẹp nhất, sôi động nhất, giàu ý nghĩa nhất là vào mùa xuân, vào dịp tết cổ truyền. Ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hình ảnh cổ kính, nét xưa lại hiện về thông qua những ông đồ “bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua”. Hình ảnh những ông đồ mặc áo the, đội khăn xếp thảo những nét vẽ “như phượng múa, rồng bay” khiến những người qua đường cảm nhận rõ rệt xuân đang về. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng một nền giáo dục nói riêng, một nền văn hóa nói chung vừa tiên tiến, hiện đại mà vẫn giàu bản sắc. Trong đó, Đảng và Nhà nước rất chú ý tới việc gìn giữ và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc.
Ở Văn Miếu vào mùa xuân, một nền thư pháp cũng đã được làm sống dậy với một tinh thần mới. Thật đáng mừng, có rất nhiều bạn trẻ yêu thích môn nghệ thuật này, trong đó có cả người nước ngoài. Có bạn trẻ còn nhuộm răng đen như phong tục của ông bà xưa và mỗi độ xuân về đều có mặt ở Văn Miếu để viết chữ và cho chữ. Trong đó nổi bật nhất là nhóm “Nhị thập bát tú” của Câu lạc bộ thư pháp trẻ Hà Nội. Đến Văn Miếu vào mùa xuân, ta gặp lại “những người muôn năm cũ”, người người xếp hàng mua câu đối, mua chữ Nhẫn, chữ Thành, chữ Dũng, chữ Tâm... - những con chữ thể hiện lòng hướng tâm, hướng thiện, hướng đến sự thành công và bao nhiêu điều quý báu khác của người dân một đất nước “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút nghiên”. Khai bút đầu năm tại phố Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành điểm hẹn thân quen của các ông đồ cũng như người dân Thủ đô mỗi độ xuân về.
Những hoạt động mừng xuân ở Văn Miếu rất đa dạng, như: hội thi cờ người, xin chữ và cho chữ, múa rối nước, triển lãm sách... và nhất là Hội thơ rằm tháng Giêng. Đã thành thông lệ, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức vào rằm tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mọi người lại rạo rực chờ đón nghe bài thơ Nguyên tiêu của Bác.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là niềm tự hào của người dân đất Việt, song còn rất nhiều vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ. Có người giả tàn tật để ăn xin tại Văn Miếu làm xấu đi hình ảnh của di tích. Hằng năm, vẫn có những sĩ tử đi thi đại học đã cố vào Văn Miếu để sờ cho được đầu rùa hay bia đá với quan niệm đem lại sự may mắn trong thi cử. Đây chính là những hành động dung tục hóa biểu tượng thiêng liêng của đất nước, không kể đến tình trạng ngày một hao mòn của hiện vật lịch sử. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, nhà quản lý và làm công tác bảo tồn di tích cần có những biện pháp tích cực hơn nữa trước những hành động này.
Bên cạnh đó, hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa để tăng thêm niềm tự hào dân tộc, thu hút khách du lịch và làm cho điểm hẹn văn hóa này ngày càng đẹp hơn trong mắt mỗi người.