Thịt dê có giá trị thấp ở Australia nhưng lại mang hương vị độc đáo nhờ nuôi bằng cách chăn thả. Vì thế, nó được nhiều người Trung Quốc ưa chuộng. Những trang trại nuôi dê tại Australia cũng bắt đầu nhắm vào thị trường mới là các điểm du lịch "hot" ở Trung Quốc, trong đó có Truy Bác (Sơn Đông) - thành phố có 4 triệu dân, nhưng hiện thu hút khoảng 5 triệu du khách đến tham gia các lễ hội. Theo Eddie Zhi, một người chuyên xuất khẩu thịt dê Australia, 1.100 con dê đã làm thịt được vận chuyển bằng đường hàng không đến Truy Bác để tổ chức lễ hội thịt nướng lớn vào giữa tháng 5.
"Tầm quan trọng của dự án là dự báo sự quan tâm của người Trung Quốc đối với các sản phẩm dê chất lượng cao hơn vì những con dê này nặng trung bình 10 kg", Zhi nói.
Eddie Zhi, người chuyên xuất khẩu thịt dê Australia.
Zhi cho biết thêm, gần đây giá thịt dê ở Australia ngày càng giảm, nhất là những con nhẹ ký. Những con dê trong lô hàng được chuyển tới Trung Quốc có giá khoảng một AUD (khoảng 15.000 đồng) một kg ở Australia. Thậm chí, con dê nặng dưới 10 kg còn không có giá trị thương mại. Thế nên, các trang trại ở Australia phải tìm kiếm những thị trường như Nhật Bản, Canada, Đài Loan, Trung Quốc đại lục và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc được dự đoán là thị trường tiêu thụ thịt dê Australia đầu bảng vì đây là một trong những loại thịt được tiêu thụ phổ biến nhất ở nước này.
Người Trung Quốc có món thịt dê gọi là "shouzhuarou" (thịt cầm tay), rất được yêu thích. Món ăn chế biến từ thịt dê luộc, không nêm gia vị, chỉ cho muối và chút gừng. Vì thế, nó yêu cầu thịt phải có độ mềm, kết cấu tốt, vị ngọt và độ tinh khiết để tạo hương vị tinh tế. Và những con dê nhẹ cân (khoảng 10 kg) giá "rẻ như cho" ở Australia lại phù hợp với món này.
Món shouzhuarou nấu từ thịt dê ở Trung Quốc.
Ngoài ra, Zhi cho biết hương vị thịt dê được nuôi tại các khu vực khô cằn sẽ vượt trội so với dê từ đồng cỏ tươi tốt. Tốc độ tăng trưởng chậm mang lại hương vị thịt ngon hơn. "Thường thì dê ăn cỏ xanh tốt cho mùi vị kém hơn vì dê lớn quá nhanh, không kịp có mùi vị tròn đầy", Zhi nói. Người Trung Quốc cũng đánh giá cao các sản phẩm được nuôi tự nhiên hơn là cho ăn nhân tạo. "Dê ở Australia chủ yếu đến từ vùng đất khô hạn, nơi độ ẩm trong không khí thấp giúp dê toát mồ hôi tốt hơn, không bám vào da nên thịt cũng không có mùi hôi", ông nói.
Diệp Tử (Theo sheepcentral)