Khoảng 16h30 ngày 11/11, tiệc cưới Đoàn Văn Hậu và Doãn Hải My diễn ra tại Thái Bình - quê chú rể. Từ nhiều ngày nay, đám cưới của "nam thần" đội tuyển Việt Nam đã thu hút sự chú ý của người dân địa phương. Rạp cưới dựng tại sân bóng thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, cách nhà của Văn Hậu khoảng một km, đón khoảng 600 khách.
Tiệc cưới Văn Hậu - Hải My diễn ra chiều 11/11 tại Thái Bình. Ảnh: Đương Phạm
Thực đơn tiệc cưới với 13 món chính và phụ, chủ yếu là các món đặc sản cỗ quê, kết hợp với một số món mang phong cách ẩm thực quốc tế. Với các món "ngoại", cô dâu chú rể đãi khách salad Nhật, cá hồi nướng phô mai và bò Australia xốt tiêu đen ăn kèm bánh bao. Cá hồi nướng phô mai có phần xa lạ trong các đám cưới Việt nói chung bởi ít khi được lựa chọn. Món ăn là sự kết hợp của thịt cá hồi tươi ngon cùng xốt phô mai béo ngậy, có giá trị dinh dưỡng cao. Bò xốt tiêu đen tuy không phải món ăn tiệc cưới truyền thống nhưng dần trở nên quen thuộc, ăn kèm bánh bao chiên.
Các món còn lại đều "quen mặt" trong hầu hết các tiệc cưới ở miền Bắc. Gà ta rút xương là món kinh điển, không thể thiếu trong đám cưới của người Việt. Món mực cũng thường xuyên xuất hiện, tuy nhiên khác với nhiều nơi chế biến theo kiểu chiên bơ, nhà Văn Hậu - Hải My chọn mực hấp cho đỡ ngán. Bên cạnh đó còn có món tôm chiên hoàng bào - món ăn nổi tiếng của ẩm thực cung đình Huế.
Đặc biệt, tiệc cưới còn chuẩn bị một số món đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ như dê tái chanh, bê non xào măng trúc. Thịt dê được khử mùi hôi, rồi đem đi hấp qua và bóp với gia vị, khi ăn vẫn giữ được vị tươi ngọt của thịt dê, vị chua của chanh, mùi thơm của sả, cay cay của ớt. Đây là đặc sản thường thấy ở Ninh Bình, Thái Bình.
Thực đơn tiệc cưới Đoàn Văn Hậu. Ảnh: Đương Phạm
Món canh bóng thập cẩm cũng thường thấy trong mâm cỗ những ngày trọng đại. Nguyên liệu chính là bóng bì, được chế biến rất cầu kỳ, sau đó nấu cùng mọc, các loại rau củ. Nước canh trong vắt, không có mỡ, rau củ tươi ngon. Món ăn này cũng thường dùng để đánh giá tay nghề của đầu bếp vì độ khó.
Đám cưới Thái Bình không thể thiếu được món giò lụa. Giò chả Tiền Hải từ lâu đã nức tiếng xa gần. Giò giữ được độ dai vừa phải, gia vị nêm nếm vừa ăn, hương vị đặc biệt hơn những nơi khác. Ngoài ra, thực đơn còn có xôi kê ăn kèm bánh đa mắm tép. Xôi kê có màu vàng bắt mắt, thường được sử dụng trong các dịp Tết hoặc ngày rằm, mùng một. Dù đã có xôi, thực đơn vẫn có thêm cơm tám để thực khách ăn cho chắc dạ. Món tráng miệng là nho tươi, đồ uống gồm bia, nước ngọt.