Tết Trung thu 2024 diễn ra vào ngày nào?
Tết Trung thu năm 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, tức là Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024 theo lịch dương. Tết Trung thu còn được biết đến với những tên gọi khác như Tết Thiếu nhi, Tết Hoa đăng hay Tết Đoàn viên.
Thông thường, mọi người tổ chức vui Trung thu trong 3 ngày 14 – 16/8 âm lịch, tức ngày 16/9, 17/9, 18/9 dương lịch.
Trong ngày tết Trung thu sẽ có rất nhiều hoạt động ý nghĩa: Làm cỗ cúng gia tiên, làm cỗ thưởng nguyệt, rước đèn, múa lân, phá cỗ,…
Ý nghĩa của Tết Trung thu
Không chỉ là ngày lễ dành cho trẻ em, Tết Trung thu còn là dịp để các gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Với trẻ nhỏ, đây là dịp đặc biệt để các em được tặng đèn lồng ngôi sao, cá chép, đèn kéo quân hay mặt nạ truyền thống. Những hoạt động vui chơi như rước đèn, phá cỗ và thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo luôn mang đến niềm vui ngập tràn cho các em.
Không chỉ vậy, Tết Trung thu còn là khoảng thời gian để gia đình cùng nhau thưởng trà, ăn bánh, ngắm trăng, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ. Đây cũng là cơ hội để thắt chặt tình thân, tình làng nghĩa xóm và thể hiện lòng biết ơn, tri ân với bạn bè và người thân.
Nguồn gốc tết Trung thu
Theo tích xưa, tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm rằm tháng 8, khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp 1 vị tiên trong hình dạng một ông lão đầu bạc phơ.
Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất. Nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng dạo chơi. Trở về trần thế, luyến tiếc cung trăng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.
Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ này.
Theo các nhà khảo cổ học, tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121, từ đời nhà Lý, tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở Thăng Long.
Đến thời Lê - Trịnh, tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Ni Trần (Tổng hợp)