Tượng rồng khổng lồ trên hồ Thủy Tiên, xã Thủy Bằng, TP Huế, sẽ được cải tạo để phục vụ khách tham quan.
Ngày 31/5, ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sau khi thỏa thuận với doanh nghiệp trúng đấu thầu, tỉnh quyết định không đập bỏ tượng rồng ở hồ Thủy Tiên mà giữ lại và giao cho Trung tâm công viên cây xanh Huế quản lý.
Trước mắt, trung tâm tháo dỡ các bộ phận hư hỏng có thể gây nguy hiểm cho khách tham quan và dọn dẹp sạch không gian bên trong tượng rồng.
Nằm ở xã Thủy Bằng, TP Huế, công viên vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên do Công ty Du lịch cố đô Huế xây dựng từ năm 2001 với kinh phí 70 tỷ đồng. Công viên rộng 49 hecta, có nhiều hạng mục như: Nhà thủy cung, sân khấu nhạc nước, khu trò chơi nước, đường dạo quanh hồ. Nhà thủy cung hình rồng cao 20 m, dài 50 m uốn lượn giữa mặt hồ là nổi bật nhất, từng lên báo Huffington Post của Mỹ.
Năm 2008, Công ty Haco Huế tiếp quản để nâng cấp, đầu tư dự án công viên song đến năm 2017 thì không còn khả năng hoàn thành. 16 năm bỏ hoang, tượng rồng khổng lồ trở nên nhếch nhác. Hệ thống cửa kính vỡ nát, cầu thang sắt gỉ sét, thủy cung đầy rác. Một số mảng bêtông lòi sắt, nguy cơ sập đổ. Các mảng tường chi chít hình vẽ bậy.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hồi đất dự án và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Tài sản trên đất công viên hồ Thủy Tiên được Công ty TNHH và Thương mại dịch vụ Đại Nguyên Nam trúng đấu giá sau khi ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Đại diện doanh nghiệp nói tượng rồng tại công viên là "kiệt tác" nên mong muốn được giữ lại.
Theo kế hoạch của TP Huế, công viên hồ Thủy Tiên sẽ được chỉnh trang với kinh phí 20 tỷ đồng. Trung tâm Công viên cây xanh Huế được giao xây dựng tuyến đường dạo dài 2 km, rộng 4,5-6 m quanh hồ Thủy Tiên, lát bằng đá granit trên nền bêtông. Hệ thống đèn chiếu sáng, cấp thoát nước cũng sẽ được đầu tư.
Ông Trần Hữu Thuỳ Giang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết tỉnh đã quyết định giữ lại công trình kiến trúc độc đáo này để phục vụ du khách.
Theo ông Giang, sau khi thoả thuận với doanh nghiệp trúng đấu thầu, tỉnh quyết định không đập bỏ tượng rồng khổng lồ tại Khu vui chơi giải trí hồ Thuỷ Tiên, giao lại cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế quản lý, cải tạo phục vụ khách tham quan.
Dự án Khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên với diện tích gần 5.000m2 do Công ty Du lịch Cố đô làm chủ đầu tư, với số vốn ban đầu hơn 70 tỷ đồng từ năm 2000.
Do kinh phí khó khăn và hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được du khách tham quan, đến năm 2008, dự án này được chuyển nhượng cho Công ty HACO Huế.
Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty HACO Huế bỏ kinh phí 270 tỷ đồng để tiếp tục thi công, hoàn thiện các hạng mục với mong muốn sớm đưa dự án vào hoạt động. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, Khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên vẫn giậm chân tại chỗ, nhiều hạng mục bị rêu phong, cỏ úa.
Năm 2016, công trình hoang phế này xuất hiện trên tờ Huffington Post (Mỹ) như là một điểm đến dành cho những du khách ưa mạo hiểm, khám phá "du lịch rùng rợn". Từ đó, công viên hồ Thủy Tiên nổi tiếng là một địa điểm du lịch có phần kỳ bí.
Những năm sau đó, do dự án không tiếp tục triển khai nên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định thu hồi, đấu giá tài sản trên đất và giao cho UBND TP Huế đầu tư khu công viên sinh thái cảnh quan phục vụ cộng đồng.
Thời điểm cuối năm 2023, đại diện Công ty TNHH TM-DV Đại Nguyên Nam (trụ sở tại TP Đà Nẵng), đơn vị trúng đấu giá tài sản trên đất sau khi ngân hàng phát mãi cho biết, do địa phương không có nhu cầu giữ lại công trình này nên đơn vị mua đấu giá đành phải phá bỏ và tháo dỡ để thu hồi tài sản.