BS.CK2 Thân Thị Minh Trung (Phó khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, khi một người đi du lịch, công tác... đến vùng đất mới và ngủ lại có thể sẽ gặp "hiệu ứng đêm đầu tiên". Tình trạng này dễ xảy ra vào đêm đầu tiên khi cơ thể và não bộ chưa kịp thích nghi với môi trường hay múi giờ mới, gây thức giấc nhiều lần trong đêm.
Bác sĩ Minh Trung gợi ý các giải pháp dưới đây góp phần giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon hơn trong những chuyến đi chơi xa, tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ.
Điều chỉnh đồng hồ sinh học của giấc ngủ: Nguyên nhân khiến một người khó ngủ có thể do lệch múi giờ, ảnh hưởng tâm lý như căng thẳng về lịch trình, lo lắng cho người thân, công việc ở nhà... Thói quen sinh hoạt, di chuyển đảo lộn so với giờ giấc nghỉ ngơi thường ngày làm cho đồng hồ sinh học của giấc ngủ bị gián đoạn và gây khó ngủ hoặc mất ngủ.
Nếu di chuyển tới một quốc gia khác múi giờ, từ ba ngày trước chuyến đi, bạn nên bắt đầu chuyển giờ đi ngủ sớm hơn hoặc muộn hơn một giờ so với bình thường (tùy thuộc vào múi giờ của điểm đến). Cơ thể cần khoảng một ngày để thích nghi với sự thay đổi của mỗi múi giờ. Việc lên kế hoạch trước có thể giúp quá trình chuyển đổi này diễn ra dễ dàng hơn.
Thiếu ngủ khiến chuyến đi giảm bớt niềm vui và sự hứng khởi. Ảnh: Freepik
Mang theo vật dụng quen thuộc: Sự tác động đồng thời của các yếu tố như thay đổi thời tiết, đồ ăn thức uống lạ, say tàu xe hay chăn gối, ánh sáng, mùi, âm thanh của phòng khách sạn không phù hợp cũng có thể làm trầm trọng thêm chứng khi đi du lịch. Mang theo một vài vật dụng thân quen như gấu bông, gối ngủ, mặt nạ ngủ, nút bịt tai, nến hoặc bình xịt có hương thơm nhẹ nhàng... tạo cho bạn cảm giác thoải mái hơn khi ngủ ở một nơi xa lạ. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu sẵn các chương trình truyền hình hoặc bài hát yêu thích thường nghe mỗi đêm vào điện thoại để thư giãn đầu óc, kích thích cơn buồn ngủ đến dễ dàng hơn.khó ngủ, mất ngủ
Đặt phòng khách sạn có không gian yên tĩnh: Khi lên kế hoạch du lịch, bạn nên tìm kiếm và lựa chọn phòng khách sạn hoặc homestay có vị trí lý tưởng. Tốt nhất du khách nên chọn những phòng ngủ ở tầng cao, không gần cầu thang máy và không quay mặt ra đường. Vị trí phòng ngủ này sẽ mang lại không gian yên tĩnh, giúp dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.
Bắt nhịp theo giờ địa phương: Để dễ dàng bắt nhịp với lịch sinh hoạt của địa phương mới đến, bạn cần lưu ý giờ đến để có thể chuẩn bị phù hợp. Nếu đến điểm du lịch vào ban ngày, bạn nên ngủ trên máy bay hoặc tàu xe càng nhiều càng tốt nhằm giúp hòa nhập với cuộc sống nơi đến nhanh hơn. Ngược lại, nếu đến điểm du lịch vào ban đêm thì bạn nên cố gắng giữ tỉnh táo trên phương tiện di chuyển để có thể ngủ ngon hơn tại phòng khách sạn.
Nếu đến điểm du lịch vào ban ngày nên ngủ thật nhiều trên xe. Ảnh: Freepik
Làm nóng cơ thể: Bắt đầu ngày mới ở điểm du lịch, bạn nên tắm nước ấm và ra ngoài tập thể dục nhẹ nhàng. Việc tăng nhiệt độ kích hoạt nhịp sinh học, giúp cơ thể làm quen với môi trường mới thuận lợi hơn.
Bạn cũng nên duy trì đều đặn các bữa ăn sáng, trưa và tối khi đến vùng đất mới. Rượu bia, đồ ăn vặt và nhất là ăn đêm cần hạn chế vì sẽ làm tăng mức độ khó ngủ. Một số dưỡng chất có lợi cho não bộ như blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) có thể hỗ trợ tăng lưu thông máu và oxy lên não, từ đó cải thiện mất ngủ, khó ngủ hoặc đau đầu khi đi du lịch.
Mặc dù chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng có thể gây buồn ngủ vào ban ngày, làm giảm tinh thần và năng lượng hoạt động. Mất ngủ ngắn hạn cũng có thể trở thành mạn tính đối với những người thường xuyên di chuyển hoặc đang gặp vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ.thiếu ngủ
Bác sĩ Minh Trung lưu ý thêm, những trường hợp đang điều trị nội khoa các vấn đề về rối loạn giấc ngủ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại thuốc mang theo và những lưu ý cần thiết khác trước mỗi chuyến đi.
Hường Nguyễn