Nhà thờ chánh tòa Kon Tum, hay còn gọi là nhà thờ gỗ Kon Tum – cái tên dân dã mà người dân nơi đây vẫn thường gọi bởi công trình này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cà chít mang phong cách Basilica còn tồn tại duy nhất trên thế giới, là nhà thờ đẹp nhất Tây Nguyên - một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua nếu như bạn có dịp đến thăm vùng đất đại ngàn.
![]()
Theo tư liệu lịch sử, vào những năm giữa thế kỷ 19, có một con đường dài 120km tên gọi là con đường "Muối, gốm sứ và cồng chiêng" từ Quảng Ngãi lên Kon Tum. Con đường này hẻo lánh, hoang vu, gập ghềnh từ ngã ba Thạch Trụ, Quảng Ngãi qua Ba Tơ, đèo Violắc là con đường buôn muối, gốm sứ và cồng chiêng hoặc các vật dụng giao thương giữa người Kinh và người dân tộc trong khu vực. Khi đó, những nhà truyền giáo người Pháp cũng đã theo con đường này để bắt đầu công cuộc truyền giáo và có ý định xây dựng các nhà thờ nhỏ bằng gỗ, tre để truyền đạo.
![]()
Nhà thờ đầu tiên đã được xây dựng vào năm 1870. Sau đó, khi số lượng giáo dân đông dần, linh mục Joseph Décrouille được giao phụ trách xứ đạo Kon Tum. Năm 1913, linh mục Joseph Décrouille quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ lớn với vật liệu chủ yếu là gỗ cà chít - một loài sến đỏ có rất nhiều ở vùng đất Tây Nguyên. Công việc xây dựng nhà thờ gỗ Kon Tum bắt đầu từ năm 1913 và kéo dài đến năm 1918 mới hoàn tất. Dù đã trải qua bao biến thiên lịch sử, cho đến nay nhà thờ vẫn không hề bị hư hỏng mà vẫn vững chắc.
![]()
Quá trình xây dựng nhà thờ trải qua nhiều gian nan vất vả, thậm chí có lúc bị đình trệ do đúng vào thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra. Trước đó, người ta cũng đã phải mất tới 3 năm để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà thờ, bắt đầu bằng việc thuê thợ giỏi vào rừng đốn gỗ rồi dùng voi kéo về, sau lại cho người về xuôi đến các vùng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... tìm thợ giỏi về để xây dựng.
![]()
Về mặt tổng quan, nhà thờ được thiết kế theo lối kiến trúc Roman kết hợp với kiểu nhà sàn của người Ba Na bản địa. Đây được coi là đỉnh cao của sự kết hợp giữa văn hóa Tây phương và bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Có diện tích lên đến 700m2, nhà thờ gỗ Kon Tum là một "đại công trình" khép kín gồm giáo đường, nhà khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm... của đồng bào dân tộc.
![]()
Hệ thống cột gỗ quý của nhà thờ gỗ Kon Tum.
Nhìn bên ngoài, công trình là một khối nhà cao lớn uy nghiêm nổi bật với gam màu sẫm vì thời gian của gỗ và ngói. Mặt tiền nhà thờ có một tháp chuông 4 tầng cao 24m nằm chính giữa tạo sự hài hòa, cân đối cho toàn bộ công trình. Hành lang hai cánh rộng và dài, các mái nhô cao và dốc như kiểu mái nhà rông của người Ba Na được đỡ chắc chắn bằng hàng cột gỗ tròn.
![]()
Sự kết hợp hài hòa và tinh tế của hệ thống các cột đỡ và ô cửa hình vòm.
Bên trong thánh đường dường như là một thế giới khác hẳn với kết cấu mái vòm dài, cao vút, thoáng đạt và ngập tràn ánh sáng khiến cho người xem thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp hoành tráng và lộng lẫy. Những hàng cột cao 12m đặt vững chắc trên chân đế bằng đá vươn lên nâng đỡ toàn bộ mái vòm chính giữa và trần hành lang hai cánh không chỉ tạo sự bề thế cho công trình mà còn gợi cảm giác rộng mở không gian về các phía.
![]()
Điển tích kinh thánh trang trí trên ô cửa kính màu lộng lẫy.
Đặc biệt, hệ thống kèo gỗ hình vòm và các hàng cột nhỏ bên trên được kết nối tinh vi, liền mạch một cách duyên dáng và mềm mại khiến cho phần thượng tầng của gian thánh đường càng trở nên nguy nga, lộng lẫy. Hai bên cánh, qua lớp ánh sáng tự nhiên, các ô cửa kính màu thiết kế theo lối vitraux với hình vẽ về những điển tích trong kinh thánh hiện lên lung linh rực rỡ.
![]()
Tượng Đức mẹ Maria và Chúa Giesu trên cung thánh của nhà thờ.
Từ dưới hàng ghế của các tín đồ nhìn lên là cung thánh được thiết kế như một sân khấu nổi hình vòm lộng lẫy tạo cảm giác trang nghiêm và cao cả của chốn linh thiêng. Có thể nói, mọi chi tiết thiết kế, chạm trổ, trang trí, phối màu... của ngôi nhà thờ đều vô cùng tinh xảo, chứng tỏ trình độ tay nghề bậc thầy của các nghệ nhân xưa.
![]()
Các vì kèo bằng gỗ được thiết kế tạo hình độc đáo nâng đỡ cho phần mái vòm chính của thánh đường.
Điều đặc biệt của công trình này là toàn bộ các kết cấu từ cột, kèo, cho đến sàn nhà đều làm bằng gỗ và được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Trần, tường và vách được trát bằng loại vật liệu đất trộn rơm theo kiểu nhà truyền thống của người miền Trung Việt Nam, tuyệt đối không hề có chút bêtông cốt thép hay vôi vữa nào.
Giải thích về việc này, trong bản tường trình gửi Hội Thừa sai Paris năm 1913, tức ngay lúc mới khởi công xây dựng nhà thờ, Giám mục Đại diện Tông tòa xứ Đông Đàng Trong Grangeon đã viết như sau: “Không thể dùng đá cũng như gạch để xây dựng, chỉ có dùng gỗ mới xây dựng được với chất lượng cao và kiến trúc sư cho biết ngôi nhà thờ trên xứ Ba Na này có dáng dấp ngôi thánh đường chánh tòa.”
![]()
Đức Cha Etienne-Théodore Cuénot Thể có công khai sáng miền truyền giáo xứ Kon Tum
Có một chi tiết vô cùng thú vị cho thấy các nghệ nhân thời ấy đã cực kỳ khéo léo và tinh tế khi đưa một bức tranh kính màu hình tròn rất lớn vào đặt ở vị trí trung tâm của ngôi thánh đường, ngay trên cửa chính, đối diện với cung thánh để vừa lấy sáng vừa trang trí như một biểu tượng của vầng Mặt Trời chiếu thẳng vào trong. Nếu đứng ở bên ngoài thì khó hình dung ra người xưa đã vẽ gì trên bức tranh kính ấy. Nhưng vào bên trong, qua sự phản chiếu của ánh sáng, bức tranh hiện lên rực rỡ và tuyệt đẹp với hình ảnh về cuộc sống đầy sinh động của người Tây Nguyên xưa với cảnh buôn làng, nhà rông, voi kéo gỗ, sông suối, đại ngàn hùng vĩ...
![]()
Vẻ đẹp lộng lẫy của ô cửa kính màu vẽ về khung cảnh đời sống của người Tây Nguyên xưa.
Nói về vẻ đẹp của ngôi thánh đường này, Đức Giám mục Jeanningros, người làm phép khánh thành nhà thờ gỗ Kon Tum, trong thư gửi Hội Thừa sai Paris năm 1918 có đoạn viết: “Đây là một tòa nhà rộng rãi và quý giá, được xây dựng bằng danh mộc (gỗ quý)... thay thế cho nhà thờ bằng tranh nứa xưa đã bị hỏa hoạn cách 7 năm về trước bằng ngôi thánh đường đẹp này.”
![]()
Các họa tiết chạm khắc trang trí trang nhã trên cửa chính của nhà thờ.
Trải qua hơn 100 năm mưa gió dãi dầu, nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn vững bền với thời gian và dường như ngày càng đẹp hơn bởi vẻ cổ kính và lộng lẫy hiếm có của mình. Đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum, du khách không chỉ được biết thêm về lịch sử của nhà thờ chánh tòa Giáo phận Kon Tum, một trong 27 giáo phận Công giáo Roma tại Việt Nam, và là giáo phận lâu đời nhất vùng Tây Nguyên, mà còn được chiêm ngưỡng một trong những kiệt tác bằng gỗ về công trình kiến trúc Công giáo ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
![]()
Tháp chuông nhà thờ gỗ Kon Tum.
Bạn có thể đến khám phá ngôi nhà thờ độc đáo này bất cứ vào thời điểm nào trong năm. Nếu đến vào mùa hoa đậu nở, bạn sẽ bắt gặp sắc hồng xen lẫn trắng của những con đường hoa trải dài. Nếu đến vào dịp lễ Giáng Sinh, bạn sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt khi nơi đây hội tụ hàng ngàn giáo dân từ các nơi trong vùng về đây dự lễ, cầu nguyện. Trong những ngày lễ còn diễn ra những phiên chợ nhỏ, bày bán những sản phẩm thủ công do chính người dân từ các buôn làng làm ra. Nếu đến nhà thờ vào những ngày bình thường thì cũng đừng buồn nhé, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên, trầm mặc mang nét gì đó rất riêng, làm tâm hồn ta thư thái hơn sau những bộn bề cuộc sống ngoài kia...