Thu đến, ký ức về mùa Trung thu năm nào lại hiện lên trong tâm trí, những tưởng đã bị trôi qua xa lắm, lâu lắm rồi...
Các con phố cũng ồn ã hơn mọi khi, nào là tiếng trống múa lân, tiếng cười trẻ thơ vang khắp xóm làng. Đèn ông sao năm cánh tươi màu, đèn lồng giấy, những chiếc bánh trung thu thập cẩm, bánh dẻo,… tất thảy đều làm nên ký ức thuở bé trở nên rực rỡ, đủ đầy. Ấy thế mà bẵng một thời gian, đám trẻ con nghịch ngợm rước đèn phá cỗ đầu làng cuối xóm năm ấy cũng lớn lên. Thế nhưng sâu thẳm trong trái tim mỗi người đều giữ một góc nhỏ để giữ những ký ức đẹp đẽ, đáng nhớ ấy.
Hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi, những giá trị cũ cũng thay đổi, niềm vui cũng chẳng còn giống nhau, hoài niệm bao nhiêu cũng chẳng thể nào khiến mọi thứ quay trở lại...
Khi cái nắng gắt gao của mùa hạ bắt đầu dịu xuống, thay vào đó là ánh nắng vàng mơ màng của mùa thu và phố phường bắt đầu tràn ngập sắc xanh đỏ của những chiếc đèn lồng, thì chẳng cần nói ra, ai cũng biết rằng một mùa trung thu nữa lại sắp về trên khắp mọi miền đất nước.
Tết Trung thu thực chất là lễ hội đón trăng rằm được tổ chức tại một số quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam. Vào thời điểm rằm tháng tám hàng năm, nhà nhà thường tổ chức bày cỗ trông trăng. Và khi trăng lên cao, trẻ con sẽ múa hát và phá cỗ. Ở một số tỉnh thành còn có tổ chức múa lân, múa sư tử và rước đèn.
Là người Việt Nam, nhắc đến trung thu, hẳn ai cũng có những cảm xúc và kỉ niệm của riêng mình về ngày tết này. Vậy Trung thu trong bạn là gì? Là chiếc đèn ông sao xanh đỏ, là bánh nướng bánh dẻo là phá cỗ, đón trăng rằm hay những phố lồng đèn tấp nập người xúng xính chụp ảnh, mua hàng?
Dù là gì, thì chắc chắn bây giờ ai cũng nhận ra một điều rằng, trung thu bây giờ so với trung thu ngày trước khác nhau nhiều lắm. Khác trong từng món quà bánh, từng món đồ chơi, trong cả cách đón trung thu lẫn trong từng con người.
Ngày xưa, trung thu đơn thuần chỉ là ngày tết của trẻ con. Ông bà bố mẹ thì bày cỗ, lũ trẻ háo hức rước đèn ngắm trăng, chơi các trò chơi dân gian, đuổi mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, múa lân múa sư, hát các bài đồng dao. Chờ trăng lên đến đúng đỉnh đầu mới phá cỗ để được ăn cơ man nào là bánh nướng bánh dẻo hình con lợn con cá, mâm ngũ quả. Nhà nào tỉ mỉ hơn thì có thêm con chó lông xù được làm từ tép bưởi.
Quà bánh trung thu ngày xưa đơn giản mà ngon đến kì lạ. Đường phố lúc đó chưa nhiều đèn điện như bây giờ, nên mặt trăng dường như cũng sáng hơn, không khí trong lành và ấm áp hơn. Đèn ông sao năm cánh hai màu xanh đỏ lúc đó là linh hồn của ngày trung thu vì nhà nào, dù nghèo hay giàu có đến mấy đều treo nó trước cửa nhà.
Trung thu xưa còn là dịp để cả nhà tụ tập, ngắm trăng vui chơi, ông bà bố mẹ kể cho con trẻ những câu chuyện dân gian về chị Hằng chú Cuội, về truyền thống đón trung thu quý báu của dân tộc, là ngày mà lũ trẻ háo hức và đáng mong chờ chẳng kém gì ngày tết âm lịch.
Khi tiếng trống múa lân giòn giã thúc dục từ xa, lũ trẻ túa ra đường, đứa cầm đèn ông sao, đứa cầm đèn kéo quân, có đứa nhà nghèo không có tiền mua đèn thì làm lồng đèn từ lon sữa bò, thắp nến ở trông đẩy đi lách cách, đứa đeo mặt nạ chú cuội, mặt nạ hề kéo theo đám múa lân đi khắp phố phường.
Mùi hương khói, mùi xâu hạt bưởi cháy tí tách, mùi ngọt ngào từ những chiếc bánh nướng bánh dẻo, ánh đèn cầy lấp lánh, trung thu ngày xưa giản dị mà đầm ấm và tràn ngập niềm vui.
Hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi, những giá trị cũ cũng thay đổi, niềm vui cũng chẳng còn giống nhau. Hoài niệm bao nhiêu cũng chẳng thể nào khiến mọi thứ quay trở lại. Cứ mỗi lần đến mùa trung thu lại bao nhiêu xúc cảm lẫn lộn.
Thi thoảng, trong những lần tụ tập bạn bè đêm trung thu ở những quán xá sáng choang, bỗng nôn nao đến lạ vì tiếng trống múa lân vọng lại từ phố bên, tự nhiên thèm cái cảm giác bị sáp nến đèn ông sao chảy xuống tay nóng hổi, bên mâm cỗ ngày rằm, có lũ trẻ ngêu ngao hát:
“Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có khiếu đánh đu
Thằng cu vỗ chài
Bắt chai bỏ giỏ…”
Trước thời ông bà anh chơi Trung Thu cỡ này nè
Lồng đèn con cua truyền thống là món đồ chơi phổ biến vào dịp Trung thu ở thế kỷ trước, Đèn được làm từ nan tre, giấy màu, với thiết kế chi tiết và vô cùng tinh xảo, khó làm.
Một lồng đèn con cua có kích thước dài gần 1m, rất nhiều chi tiết bên trong khung nan. Ngày nay gần như rất hiếm thấy.
Kỳ công và đẹp mắt thực sự, hy vọng những mẫu như này sẽ được phổ biến rộng rãi hơn
Một mùa Tết Trung thu nữa lại về, lòng ta lại thêm hoài niệm về những thứ đẹp đẽ đã qua…