Trải qua gần 800 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Hát Bội đã trở thành một phần linh hồn của văn hóa Việt Nam, là loại hình sân khấu cổ điển, đặc sắc của nghệ thuật biểu diễn của truyền thống nước nhà... Đứng trước nguy cơ tàn lụi, khi người ta chỉ còn hoài niệm một thời đỉnh cao nghệ thuật qua những chiếc "mặt nạ thời gian", lúc ấy ta mới trân trọng giá trị văn hóa đặc sắc ấy biết nhường nào...
![]()
Ảnh: Ngược Magazine
Vẽ về Hát Bội...
Nghệ thuật Sân khấu Hát bội (hay còn gọi là Tuồng) là một trong bộ ba của loại hình sân khấu truyền thống tiêu biểu của Việt Nam. Nếu nói đến Sân khấu truyền thống Bắc Bộ là người ta nghĩ ngay đến Chèo, Nam Bộ là Cải lương thì Trung Bộ chính là Hát Bội. Nhưng trong “ bộ ba” này, Hát Bội được xem là một loại hình nghệ thuật sân khấu đầy tính bác học nhất; bởi nó sớm được định hình trong Cung đình...
![]()
Hát Bội - "viên ngọc quý" trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam
Theo nhiều tài liệu ghi lại thì hát bội xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XII khi nhà Trần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông và bắt được nhiều tù binh trong đó có những con hát theo phục vụ quân đội. Vua Trần giữ những người này lại để múa hát giúp vui trong cung đồng thời truyền dạy lối hát đang thịnh hành ở triều Nguyên cho ta, gọi là hát bội.
![]()
Hình ngôn trong nghệ thuật Hát Bội
Lối diễn xuất của hát bội mang tính ước lệ và trình thức cao. Cách biểu diễn khuếch đại hơn ngoài đời để khán giả dễ cảm nhận. Các động tác truyền càng nhỏ, càng nhanh. Khi lên sân khấu càng cần tăng cường điệu thì khán giả mới kịp nhạn thấy. Kiểu cách đi đứng còn biểu lộ cái “tâm” của nhân vật thiện ác. Nhất là vào thời trước, khi kỹ thuật âm thanh, ánh sáng chưa đáp ứng được cho nghệ thuật trình diễn.
Và nếu vân tay giúp ta phân biệt được người với người, thì mỗi nhân vật trong từng vai diễn sẽ ứng với những cử chỉ, dáng điệu tương đương. Như chính diện thường ngay thẳng, cương trực; còn phản diện thì gian xảo, láo liên, uốn éo. Nhất nhất đều phân thành từng bộ riêng, mọi động tác đã theo từng thường lệ hay ước lệ. Mỗi loại hình đều có những đặc trưng riêng biệt, ca điệu trong hát bội không bình lặng như nhạc dân ca mà phải dùng giọng thật cao, thật to, thật rõ, vì thế mà “ thổ tận can tràng” là một yêu cầu khá đặc biệt với hát bội.
![]()
Vở tuồng hát bội “ Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” là vở tuồng có sức sống lâu bền nhất, kỳ diệu nhất mà đỉnh cao của nó còn chói lọi muôn đời. Qua hơn 150 năm ra đời, được diễn bởi gần 100 đoàn tuồng chuyên nghiệp cả nước, vở tuồng ngày càng phổ biến rộng rãi, khiến người ta ngày càng say mê và phát hiện thêm nhiều giá trị mới mẻ, sâu sắc của nó cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật.
![]()
Vở "Hồ Nguyệt Cô Hóa Cáo" đỉnh cao lẫy lừng
Nguy cơ lụi tàn...
Rồi bộ môn hát bội xuống dốc và lụi tàn rất nhanh những năm sau 1986 và cho tới năm 2000, một nơi sầm uất như phố cổ Hội An không một gánh hát bội nào còn hoạt động. Các nghệ nhân qua đời dần, những tấm mặt nạ được vứt vào xó xỉnh, nước màu, râu giả, đạo cụ, cờ quạt... cũng dần dà thất lạc...
![]()
Mất dần vị thế xưa kia, Hát Bội lùi sâu vào dĩ vãng...
Cho tới bây giờ, mỗi lần nhắc tới hát bội - một bộ môn nghệ thuật vang bóng một thời - là nghệ sĩ Bùi Quý Phong lại rưng rưng nước mắt, bởi tuổi trẻ của ông đã gắn bó và sống với nghề ấy quá nhiều. Ông nhớ những ngày mà người ta còn nườm nượp kéo tới xem ông hóa thân vào nhiều vai diễn trên các sân khấu ở Hội An...
![]()
Những chiếc "mặt nạ thời gian" phủ đầy bụi buồn quá khứ
Bảo tồn Hát Bội
Chưa lúc nào hát bội lại sôi nổi như hiện nay, với rất nhiều hoạt động thu hút người trẻ tìm hiểu, nâng niu những giá trị văn hóa nghệ thuật mà ông cha ta đã kiến tạo. Sự nỗ lực của các nghệ sĩ đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực, nhiều bạn trẻ đặc biệt quan tâm tới loại hình nghệ thuật độc đáo này...
Khi trái tim người trẻ đồng điệu với nhiệt huyết của cha ông...
Hiện nay tiếng vang của các dự án “ Vẽ về Hát Bội”, “Vang vọng trống chầu”, “Đường vào hát bội”,... được thực hiện bởi các thế hệ 8x, 9x là những tín hiệu vui bước đầu của những người thực hiện dự án quảng bá nghệ thuật hát bội cho giới trẻ
![]()
Lấy cảm hứng từ nghệ thuật Hát bội dân gian, các nghệ sĩ âm nhạc trẻ Dennis Đặng, Orange… đã xây dựng thành công MV “Chân ái” xuất sắc cả về mặt âm nhạc lẫn màu sắc nội dung, góp phần tích cực lan tỏa rộng rãi đến các bạn trẻ về một hình thức nghệ thuật truyền thống độc đáo - Hát Bội.
MV "Chân ái" phá đảo tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc giới trẻ
Thông điệp gửi gắm trọn vẹn tâm tư...
Người ta nói rằng, một người chỉ thật sự chết khi không còn ai nhớ về. Và tôi tin hát bội không bao giờ chết, nếu nó vẫn cháy mãnh liệt trong tim mỗi người Việt. Bởi khi nghệ thuật cổ truyền và nghệ thuật hiện đại giao thoa với nhau, chúng sẽ tạo nên những giá trị tinh hoa vô cùng đặc sắc...
![]()
Giới trẻ không hề vô cảm với nghệ thuật truyền thống, nếu họ hiểu và tìm được sự đồng điệu trong chính trái tim mình...