Khám phá ngôi chùa độc đáo và linh thiêng nhất vùng Yên Tử

Thứ Ba, Ngày 3 Tháng 1, 2017, 22:34Đăng bởi: Admin


Nhắc đến danh thắng Yên tử, là người ta nói đến vùng đất địa linh - nhân kiệt. Vẻ đẹp của núi non hùng vĩ kết hợp với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống chùa, tháp đã tạo nên một bức tranh thủy mặc đi cùng năm tháng. Trong số hệ thống chùa, tháp ấy không thể không nhắc đến chùa Đồng_Ngôi chùa được xem là độc đáo và linh thiêng nhất vùng đất non thiêng-Yên Tử.
 
Chùa Đồng nằm lặng lẽ trên đỉnh núi Yên Tử
 
Về với Yên Tử, khách tham quan không chỉ được chiêm ngắm khung cảnh núi non kỳ vĩ, mây vờn đỉnh núi, không khí yên bình thanh tịnh mà đến với nơi đây khách tham quan còn bị thu hút bởi hệ thống chùa, tháp kiến trúc độc đáo và linh thiêng. Tiêu biểu cho lối kiến trúc đó là ngôi chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử.
Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xa xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi cảnh đẹp với hệ thống am, chùa, tháp cổ kính, linh thiêng được ghi vào Danh sơn đất Việt. 
 
Chùa Đồng nằm trong danh thắng Yên Tử
 
Trước đây, chùa có tên là Thiên Trúc tự (chùa Thiên Trúc). Về sau, lấy tên là chùa Đồng vì chùa được làm toàn bộ bằng chất liệu đồng. Chùa Đồng-Yên Tử từng là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông, con trưởng của vua Trần Thánh Tông (1258-1308). Chùa xưa vốn được khởi dựng vào thời hậu Lê, do một phi tần của chúa Trịnh phát tâm công đức, làm bằng khung sắt, mái đồng, quy mô nhỏ như một khám thờ. Ngoài ra, tượng Phật, chuông, khánh bên trong đều được làm bằng đồng. 
Vào triều vua Lê Cảnh Hưng, bão lớn làm đổ chùa, chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên mỏm đá. Sau đó, một vị thủ nhang chùa Long Hoa (Uông Bí) đã tái tạo lại chùa Đồng bằng bê tông và đặt trên mỏm đá vuông ở vị trí chùa cũ. Nhiều năm sau, các Phật tử công đức dựng lại ngôi chùa mới bằng đồng quy mô nhỏ, đặt bên cạnh ngôi chùa bằng bê tông. Phải đến năm 2007, mọi người mới dựng ngôi chùa mới “hoành tráng” như hiện nay thay thế ngôi chùa đồng cũ.
 
Địa thế của chùa mang dáng hình một đóa sen nở rộ tỏa hương thơm ngát, trong đó mỗi phiến đá là một cánh sen nở, chùa Đồng tọa lạc giữa đài sen. Địa thế nghiêng sang hai bên, phía đông triền đá dốc nghiêng, phía tây dốc đứng thành vực thẳm, lối đi chỉ vừa một bàn chân chênh vênh. Chùa quay về hướng Tây Nam, có bình đồ kiến trúc hình chữ “nhất”, một gian hai chái, cũng mang dáng như một bông sen nở. Chùa được chế tác hoàn toàn bằng đồng, diện tích gần 20m2, chiều cao từ nền đến nóc là 3,35m. Các họa tiết hoa văn trang trí mang phong cách thời Trần.
 
Chùa Đồng được ví như hoa sen nằm giữa đài sen - Ảnh: circle.com
 
Toàn bộ công trình gồm chùa, tượng Phật, chuông nặng hơn 70 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất nhập từ Australia, với khoảng hơn 4.000 cấu kiện, trong đó cấu kiện nặng nhất có trọng lượng 1,4 tấn, được lắp đặt trực tiếp trên đỉnh núi. Do vị trí cheo leo, đỉnh núi quanh năm mây mờ che phủ nên chùa được thiết kế đặc biệt với những phương pháp tối ưu nhất để chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Các hạng mục công trình khác như bậc đá lên xuống, lan can, sân hành lễ, lầu hóa vàng, nhà ghi công đức cũng đang được tôn tạo, mở rộng.
 
Theo lời sư trụ trì thì chùa mang dáng dấp kiến trúc tòa thượng điện chùa Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), có hình khối vuông bốn mái, mái có hình ngói mũi hài, bờ nóc bờ dải không trang trí, hai đầu bờ nóc cùng bốn đầu đao là hình đầu rồng mang phong cách thời Trần. Phần mái vươn ra bốn phía tạo thành hiên. Ba mặt của chùa là các ván đồng ghép khít lại với nhau tạo thành bức vách. Phần dưới của bức vách có trang trí dải hoa văn hình lá lật. Mặt trước hiên chùa có hành lang, lan can là các chấn song hình thân trúc.
 
Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng có kích thước cao trung bình từ 0,45-0,87m tọa trên đài sen, trong đó 3 pho tượng Tổ được tạo tác lớn hơn. Tượng Thích Ca trong trang phục áo cà sa, tọa thiền với tư thế kiết già (thế liên hoa tọa). Tượng Đệ nhất Tổ (Trần Nhân Tông) mặc áo cà sa, tay úp lên hai đùi, tư thế ngồi “kiết già kiểu cát tường” hay còn gọi là “cát tường tọa” mắt nhìn xuống soi rọi nội tâm. Tượng Đệ nhị Tổ (Pháp Loa) và Đệ tam Tổ (Huyền Quang) mặc áo cà sa, tư thế ngồi kiết già không lộ bàn chân, tay kết “định ấn”. Toàn bộ 3 pho tượng Tổ ngự trên đài sen đặt trên bệ, trang trí hoa văn hình sen, cúc, ), lá lật, hoa văn sóng nước.
 
Pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm - Ảnh:btgcp.gov.vn
 
Để có một công trình đặc biệt và độc đáo như chùa Đồng phải kể đến tâm huyết, trí lực và bàn tay khéo léo của hàng trăm nghệ nhân đúc đồng lành nghề. Họ đã thổi hồn vào từng nét chạm khắc, từng chi tiết để từng tác phẩm họ tạo dựng đều trở nên hoàn mỹ và thấm đượm nét văn hóa bản sắc dân tộc.
Về với Yên Tử, đặc biệt là hành trình khám phá và trải nghiệm đến chùa Đồng, đỉnh Phù Vân huyền thoại, vào những dịp lễ, đặc biệt là mùa lễ hội, du khách từ khắp mọi miền đất nước đều quy tụ về đây để dâng hương lễ phật. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên làm say đắm lòng người mà chùa Đồng được xem là ngôi Chùa độc đáo và rất linh thiêng. Đến vớ nơi đây, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, nguyện cầu những điều may mắn, tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, quê hương đất nước.
 
Chùa Đồng quy tụ rất nhiều du khách đến đây hành hương, lễ Phật - Ảnh: internet
 
Nếu ví danh thắng Yên Tử là một bản nhạc thì chùa Đồng như một nốt nhạc trầm trong bản nhạc ấy, dù chỉ là một nốt trầm luyến láy nhưng người nghệ sĩ thể hiện bằng cả tấm lòng và tình yêu dành cho bản nhạc, dành cho quê hương đất Việt Oai Hùng. 
 
Thanh Thủy
 

 





bạn có thể quan tâm đến

bài viết mới nhất

Giá vé máy bay đi Đà Lạt - thành phố ngàn hoa

Giá vé máy bay đi Đà Lạt - thành phố ngàn hoa

Khám phá giá vé máy bay đi Đà Lạt - “con cưng” của mẹ thiên nhiên và cùng vi vu vùng đất thơ mộng qua bài viết này nhé.
Mùa lá đỏ xứ Lâm Đồng D'ran

Mùa lá đỏ xứ Lâm Đồng D'ran

Mỗi năm chỉ có một mùa, từ giữa tháng 2 đến tháng 4, rừng Đa Mân bắt đầu cây thay lá, lá đỏ tiếp vòng đời lá xanh, nào đỏ cam, đỏ thẫm, đỏ như màu mận chín. Cả khu rừng khoác lên màu áo mới, mát mẻ và trong lành.
Hòn Hải - Cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam

Hòn Hải - Cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam

Hòn Hải chính là hòn đá khổng lồ - cột mốc đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam ở Biển Đông. Đảo Hòn Hải là điểm A6 đánh dấu đường cơ sở Việt Nam. Đây được xem như điểm xa nhất của đường viền nội thủy của nước ta ở vùng nam Biển Đông.
Đến thôn Đoan Nữ ngắm đóa mộc miên

Đến thôn Đoan Nữ ngắm đóa mộc miên

Mới đây, cộng đồng mạng đã chia sẻ bộ ảnh chụp lại những cây hoa gạo nở rực rỡ khiến ai nhìn cũng mê mẩn phong cảnh làng quê. Qua ống kính của nhiếp ảnh gia, hồn quê lắng đọng với những gam màu quen thuộc như sắc đỏ của hoa gạo, cánh đồng xanh bát ngát hay dòng kênh in bóng trời mây.
Mũi Nghê - viên ngọc xanh bí ẩn của Đà Nẵng

Mũi Nghê - viên ngọc xanh bí ẩn của Đà Nẵng

Bán đảo Sơn Trà luôn là sự lựa chọn ưu tiên mỗi khi đến Đà Nẵng. Ngoài chùa Linh Ứng, trạm rada, đỉnh bàn cờ hay cây đa ngàn năm, thì Mũi Nghê chính là “báu vật” của nơi đây. Đây là địa điểm còn hoang sơ và chưa đi vào khai thác du lịch nên vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên bản của tạo hoá. Hãy cùng diemhendulich.net check in tọa độ cực xịn, cực chất qua bài viết này nhé!
Top 5 cách giữ cá tươi đến 3 ngày không cần tủ lạnh

Top 5 cách giữ cá tươi đến 3 ngày không cần tủ lạnh

Nếu cá mua về không kịp xử lý thì sẽ bị ươn, mùi tanh của cá sẽ gây cảm giác khó chịu khiến món ăn sẽ mất ngon. Một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn bảo quản cá tươi lâu đến 3 ngày mà không cần tủ lạnh.