Chùa Địa Tạng Phi Lai ( tên cổ là chùa Đùng) cách Hà Nội khoảng 70 km, có địa thế phong thủy tựa lưng vào núi, hai bên là dãy núi có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ với nhiều cổ vật thiêng liêng, mang tính lịch sử. Theo lời kể của những người lớn tuổi trong thôn, chùa Đùng được xây dựng vào thế kỷ 11 với quy mô hơn 100 gian. Đã có khoảng thời gian vua Trần Nghệ Tông chọn chùa Đùng làm nơi ở ẩn và vua Tự Đức cũng chọn nơi này đến cầu tự.
![]()
Ngôi chùa ẩn mình trong rừng thông dưới chân núi, tạo cảm giác yên bình, thanh tịnh ngay lần đầu tiên du khách đặt chân đến.
Ngôi chùa trước có tên là chùa Đùng. Thôn Ninh Trung ngày xưa cũng được lấy tên theo ngôi chùa này, từng gọi là thôn Đùng. Về kết cấu, nơi đây cũng giống như những ngôi chùa khác tại Việt Nam, bao gồm Tam bảo, nhà thờ tổ, nơi thờ Đức Ông, đức Thánh hiền; nhà ở, giảng đường, nhà khách, nơi ở của phật tử. Theo lời kể của dân làng, một thời gian dài nơi đây chỉ là nơi thờ cúng, nhưng theo thời gian kiến trúc bị hao mòn, cây cối bủa vây nên nơi đây dần bị bỏ quên.
![]()
Ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi đẹp tựa "tiên cảnh" tại Hà Nam
Vị trí ngôi chùa ở trên một ngọn đồi, không gian rộng và bằng phẳng, đường dẫn vào chùa rộng rãi, khang trang. Sau hơn một giờ đồng hồ chạy xe từ Hà Nội là đã đến ngôi chùa có kiến trúc đẹp, không gian tĩnh lặng bậc nhất Hà Nam. Với quan điểm sống hài hòa thuận tự nhiên, sau hơn 5 năm trùng tu, xây dựng, sư thầy trụ trì và nhân dân gần xa đã cùng tạo nên một kiệt tác không gian thiền vị qua kiến trúc cảnh quan, hệ thống tượng thờ đặc biệt, tạo nên sự an lạc cho bất kỳ ai một lần ghé thăm.
![]()
Du khách lần đầu đến thăm chùa sẽ không khỏi bất ngờ vì phần sân dẫn vào chùa đều được trải sỏi màu trắng, thay vì lát gạch đỏ như những ngôi chùa khác. Bởi sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định. Trong hành trình vãn cảnh chùa, từng viên sỏi trắng tinh khiết như lượm lại những lo âu, muộn phiền trong lòng người để họ trở nên thanh thản và an tĩnh hơn. Cách bài trí của ngôi chùa cũng rất khác biệt, đó là điểm riêng của Địa Tạng Phi Lai Tự.
Ngay trước khu Tổ đường, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định. Dạo trong khuôn viên chùa, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến cho lòng người trở nên thanh thoát. Giống như bố cục của các ngôi chùa truyền thống, trong chùa, lớn nhất là tòa Tam Bảo, Tượng Đức Địa Tạng hiền từ nhưng toát lên vẻ uy nghiêm, đặt trong tổng thể kiến trúc hài hòa lấy màu nâu, vàng, trắng làm chủ đạo.
![]()
Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh.
Bên phải tòa Tam bảo là nhà thờ Tổ, nơi tôn nghiêm thờ 42 đời tổ sư từng trụ trì tại chùa. Ngoài ra còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông và Đức Thánh Hiền, khu nhà ở (dành cho Tăng ni – Phật tử ở trong chùa), khu giảng đường (nơi các Tăng ni - Phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo hàng ngày và diễn ra các khóa tu tại đây), khu nhà khách (dành cho những du khách thập phương và những người tham gia các khóa tu, các trải nghiệm tại chùa).
![]()
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự có bố cục truyền thống giống như những ngôi chùa khác. Chùa bao gồm tòa Tam Bảo lớn nhất với sự hiện diện của tượng Đức Địa Tạng uy nghiêm. Nhà thờ tổ được xây dựng bên phải để thờ các vị sư trụ trì theo các đời.
Ngoài ra, du khách thập phương có thể cầu nguyện tại các tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông và đức Thánh Hiền. Chùa có riêng một khu giảng đường và khu nhà khách để tiếp đón du khách và người tham gia khóa tu hay tham gia các khóa trải nghiệm tại chùa.
![]()
19 khóa tu dành cho học sinh, sinh viên với tên gọi Hương Sen Mùa Hạ và Trúc Hạ Vươn Mình đã diễn ra, thu hút các bạn trẻ khắp các vùng miền tìm về tu tập.
![]()
Khoảnh khắc tìm về an trú, nương tựa bình an, lắng nghe những câu chuyện thiền vị để luôn an vui của các Phật tử trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Bên cạnh các điện thờ, các sư thầy và người dân còn dày công chăm bón các khu vườn trái cây, thảo dược, thuốc chữa bệnh, rau rừng,… Một vườn nấm nằm ở dưới chân núi dùng để cung cấp lương thực sạch cho các bữa lẩu chay hoặc để làm ruốc.
![]()
Sức hấp dẫn của chùa Địa Tạng Phi Lai còn nằm ở những không gian thiền vị bên trên đồi thông
![]()
Phủ mát một màu xanh
Chuông gió là một… “đặc sản”, điểm nhấn tại chùa Địa Tạng Phi Lai. Như những bản nhạc reo vui của Chư thiên, đất trời và lòng người quyện hòa...nghìn chuông gió tại mái già lam này đêm ngày ngân nga...
![]()
![]()
Vẻ đẹp vừa cổ kính trầm mặc, vừa nên thơ của chùa Địa Tạng Phi Lai dưới một cơn mưa.
Một trong những cách để thanh lọc tâm hồn khi đến chùa Địa Tạng Phi Lai Tự đó chính là đọc sách. Ở đây có thiên đường sách nuôi dưỡng tâm hồn với số lượng lớn. Sách được xếp ngăn nắp dọc theo các bức tường. Du khách đến vãn cảnh còn có thể dạo chân trong khuôn viên chùa hay thưởng trà để thư giãn tâm hồn.
![]()
Nơi này... thời gian ngừng lại. Tịnh độ nhân gian. Tâm tròn lòng an. Nhẹ nhàng như mây...
Không chỉ là chốn thờ tự linh thiêng, chùa còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, nơi trải nghiệm cuộc sống, hướng con người đến với những giá trị cơ bản nhất của đạo Phật, mang lại sự thanh tịnh và thoải mái trong tâm hồn.
![]()
Những căn nhà đất bình dị, mộc mạc thu hút nhiều quý sư và Phật tử các tỉnh thành ghé thăm
Mỗi mùa, cảnh sắc của chùa lại gây xao xuyến với vẻ đẹp yên bình, thanh tịnh rất riêng. Dù đến chùa Địa Tạng Phi Lai Tự vào mùa nào, tâm hồn con người cũng được gột rửa thanh khiết. Lòng người được trở về với suối nguồn trong lành, tĩnh lặng.
![]()
Những căn nhà đất mộc mạc, gần gũi với những góc không gian và đồ vật gợi nhiều về ký ức tuổi thơ nhiều người nơi mỗi làng quê.
Về với chùa Địa Tạng Phi Lai Tự tâm hồn con người như được quét dọn sạch những âu lo, muộn phiền. Nỗi ngổn ngang được giải phóng, lòng người cảm thấy nhẹ nhõm để có thể thành tâm nguyện cầu những điều may mắn sẽ đến với cuộc đời.
Nếu cuộc sống bạn đang bộn bề công việc và những nỗi lo toan, hãy dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên và thưởng thức thanh âm yên bình, trong trẻo tại chùa Địa Tạng Phi Lai Tự nhé!