Cung An Định nằm ở đâu?
Cung An Định có biển hiệu tiếng Hán là 安定宮; trước kia là cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua và sau đó được vua Bảo Đại thừa kế và sống tại đây cho đến khi thoái vị. Xưa kia cung An Định thuộc phường Đệ Bát, nằm bên bờ sông An Cựu nay đã thành đường Phan Đình Phùng thuộc phường Phú Nhuận, thành phố Huế.
Được biết, dựa theo vị trí địa lý của các quần thể di tích cố đô Huế thì cung An Định thuộc khu vực nằm ngoài kinh thành (theo Wikipedia), cùng với cung An Định là một số các địa điểm du lịch nổi tiếng mang đậm dấu ấn lịch sử cùng kiến trúc cổ xưa khác mà có thể bạn đã nghe qua như: chùa Thiên Mụ, lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, Văn Thánh, Hổ Quyền,...
Lịch sử hình thành
Tương truyền vào năm Thánh Thái 14 (1902), vua Khải Định (Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo lúc bấy giờ) đã lập cho mình một biệt phủ riêng và lấy tên là phủ An Định. 15 năm sau đó, vua Khải Định đã cải tạo lại nơi ở của mình theo lối kiến trúc hiện đại, loại bỏ các công trình cũ và thay vào đó là một vài công trình mới trên tổng diện tích khuôn viên nơi ở rộng đến 23.463m2 và đổi tên nơi này thành cung An Định. Sau này, cung An Định đã được vua Khải Định truyền lại cho vua Bảo Đại (tức hoàng tử Vĩnh Thụy lúc bấy giờ).
Cung An Định cũng là một bảo vật của nước ta khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Kiến trúc xây dựng của cung An Định
Cung An Định được thay đổi diện mạo mới vào năm 1917 và trong thời kỳ nền văn minh phương Tây mang tầm ảnh hưởng lớn đó, nơi này mang trong mình nét đẹp của sự giao thoa văn hóa Đông Tây với những chi tiết, thiết kế mang phong cách châu Âu và hòa quyện trong đó là những hoa văn, họa tiết truyền thống cung đình.
Cung An Định có tổng diện tích khuôn viên là 23.463m2 với đa dạng các công trình kiến trúc khác nhau nhằm phục vụ cho đời sống sinh hoạt lẫn giải trí của chủ nhân nơi này. Khi xưa, nơi đây gồm 10 công trình khác nhau, điển hình phải kể đến như: Bến thuyền, Cửa cung, lầu Khải Tường, đình Trung Lập, nhà hát Cửu Tư Đài, hồ nước, chuồng thú,... Nhưng sau khi trải qua một chiều dài lịch sử với nhiều biến động cùng với các yếu tố thời tiết, hiện chỉ còn ba công trình chính để du khách có thể tham quan và chiêm ngưỡng gồm Cửa cung, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.
Đi từ ngoài vào trong, bạn sẽ bắt gặp cổng cung dẫn lối vào cung An Định được xây 2 tầng bằng gạch và được chạm trổ với những chi tiết hình rồng uốn lượn vô cùng cầu kỳ và tinh xảo. Vòm cổng được đề 3 chữ “安定宮” bằng tiếng Hán ý chỉ cung An Định với hai bên là câu đối chữ Hán được đan xen trong các khuôn gạch trang trí bằng sành sứ đắp nổi vô cùng thu hút. Trên đỉnh của cổng cung được gắn biểu tượng của một viên trân châu lớn.
Sau khi vào cửa lớn thì chúng mình sẽ bắt gặp ngay một đình Trung Lập nằm ở giữa khuôn viên với kết cấu kiểu đình bát giác với nền cao cùng lối dẫn vào đình đi từ hai bên trái hoặc phải. Cũng tưởng tự như cửa cung, trên mái đình đắp nổi 12 con rồng uốn lượn trải đều hai bên trông vô cùng cầu kỳ và ấn tượng cùng một biển hiệu tên được khắc bằng chữ Hán ngụ ý tên đình. Trong đình có trưng bày một bức tượng đồng đúc bằng tỷ lệ người thật của vua Khải Định, được xây dựng vào năm 1920.
Đi tiếp vào bên trong chúng ta sẽ đến với lầu Khải Tường nằm phía sau đình Trung Lập. Đây cũng là công trình kiến trúc chính của cung An Định. Từ ngoài cổng cung đi vào cho đến đây, bạn có thể dễ dàng thấy rằng về tổng quan, toàn bộ cung An Định lấy tông màu chủ đạo gồm hai màu vàng và trắng là chính. Lầu Khải Tường treo biển hiệu chữ Khải Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành) do chính vua Khải định đặt.
Lầu Khải Tường gồm tổng cộng 3 tầng và được xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu được trang trí vô cùng công phu với tổng diện tích lên đến 745m2. Trong đó, phần nội thất của tầng 1 là nơi trưng bày các các bức tranh tường được lồng trong khung mạ vàng có giá trị nghệ thuật rất cao; qua đó làm tăng thêm vẻ nguy nga tráng lệ của không gian nơi đây.
Được biết, điểm nhấn ở sảnh chính lầu 1 chính là bộ 6 bức tranh sơn dầu được vẽ trực tiếp lên tường mô tả lăng của các vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định.
Một chiếc ghế sơn son thiếp vàng, chạm khắc tinh xảo trong phòng ăn. Họa tiết trang trí trần nhà mang mang hoa văn cùng đèn chùm (chandelier) thắp sáng gian phòng
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Tân - Cổ điển (Néo Classique) ở Việt Nam.
Các trải nghiệm khi đến với cung An Định
Tham quan và chiêm ngưỡng những di tích còn sót lại theo thời gian
Vì đây là một địa điểm du lịch mang đậm nét đẹp lịch sử, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng tất tần tật về cuộc sống sinh hoạt đời thường của gia đình hai vị vua trong lịch sử sẽ như thế nào. Trong đó bao gồm các thuyết minh cuộc đời về vua và hoàng hậu, những khu vực trong khuôn viên cung được sử dụng nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Đặc sắc hơn nữa chính là các chi tiết trong nội thất thiết kế cung An Định được đầu tư vô cùng tỉ mỉ và chi tiết với lối kiến trúc pha trộn hài hòa giữa châu Âu và nét đẹp văn hóa phương Đông. Bạn còn có thể dễ dàng bắt gặp đèn chùm chandelier, cầu thang rẽ nhánh hai bên để lên lầu, tay nắm cửa được nhập khẩu từ Pháp,... sau đó là nhà hát Cửu Tư Đài nơi gia đình vua thưởng thức các tiết mục trình diễn để giải trí - một sự xa hoa mà chỉ những giới thượng lưu thời xưa mới có thể thưởng thức.
Được biết, lầu Khải Tường chính là kiến trúc chính của tổng thể khu vực, đã được phục chế bởi các chuyên gia Đức và cũng là nơi du khách có thể thỏa thích tham quan với tổng cộng 22 phòng lớn nhỏ. Trong đó, tầng 1 gồm 7 phòng được trang trí vô cùng lộng lẫy, lầu 2 là nơi gia đình vua sinh hoạt và tầng 3 với 7 phòng chính là nơi thờ tự.
Check-in tại Bạch Trà Viên
Ngoài ra, cung An Định còn là một vị trí lên hình siêu đẹp nhờ sở hữu lối kiến trúc độc đáo cùng khuôn viên được bảo quản tươi tốt, sắc xanh trải rộng khắp mọi nơi đối lập với tòa nhà chính trong cung được tô màu vàng và mang màu sắc hoài cổ theo năm tháng. Trong đó, nổi bật nhất là Bạch Trà Viên (Camellia Garden) được xây dựng trong khuôn viên nhằm phục vụ cho việc quay phim “Gái già lắm chiêu V ”.
Huế không chỉ đẹp với khung cảnh non xanh nước biếc mà còn bởi các di tích lịch sử mang đậm dấu ấn thời gian. Nếu có dịp đặt chân đến Huế, bạn đừng quên ghé thăm cung An Định để tìm hiểu rõ nét hơn về không gian sinh hoạt của thế hệ vua thời xa xưa và để chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ trong công trình xây dựng của nơi đây