Dược sĩ Đỗ Xuân Hòa, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết làn da có thể tổn thương, bỏng rát, đỏ ửng chỉ trong 15 phút tiếp xúc trực tiếp với bức xạ tia cực tím (UV) mạnh. Tia UV có thể làm tổn thương các cấu trúc sợi bên trong da, gọi là elastin. Khi những sợi này đứt gãy, cấu trúc da lỏng lẻo, chảy xệ, nhăn nheo và lão hóa nhanh.
Theo dược sĩ Hòa, mỗi người nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều lycopene, beta-carotene, lutein, zeaxanthin, vitamin C, E giúp cải thiện cháy nắng, đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Lycopene có nhiều trong cà chua đỏ, cà rốt, đu đủ, ớt chuông, ổi, dưa hấu và bưởi hồng. Tiêu thụ 10-16 mg lycopene mỗi ngày với dầu ô liu có thể giảm đỏ da do tiếp xúc với tia UV. Tia UV là nguyên nhân chính gây ung thư da.
Làn da dễ bị cháy nắng, sạm nám khi tiếp xúc với ánh nắng mạnh. Ảnh: Freepik
Sắc tố beta-carotene trong trái cây và rau quả màu vàng, cam (cà rốt, khoai lang, bí đỏ), các loại rau lá xanh (rau cải bó xôi, rau diếp ). Theo dược sĩ Hòa, thực phẩm chứa beta-carotene hỗ trợ chống nắng và giảm nguy cơ ung thư da. Người ăn 12-180 mg chất này mỗi ngày có làn da khỏe hơn.
Lutein và zeaxanthin có nhiều trong cải xoăn, rau cải bó xôi, bông cải xanh, đậu Hà Lan, ngô, cà rốt, ớt, trứng, rau củ có sắc tố cam và vàng. Hai chất này không chỉ hỗ trợ sức khỏe của mắt mà còn tốt cho da.
Khi bổ sung lutein và zeaxanthin, da mất nhiều thời gian hơn để chuyển sang màu đỏ dưới tác động của tia cực tím. Kết hợp thực phẩm chứa lycopene, beta-carotene và lutein gia tăng khả năng bảo vệ da, tăng cường chống nắng từ bên trong.
Dược sĩ Hòa cho biết ăn các loại chứa vitamin C và E có thể giảm tốc độ bỏng da và giảm mức độ tổn thương DNA sau khi tiếp xúc tia cực tím. Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam quýt, cà chua, ổi, ớt chuông đỏ và xanh, kiwi, bông cải xanh, dâu tây. Vitamin E có trong dầu thực vật, các loại hạt, rau bina, bông cải xanh, kiwi.
Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đa omega-3, nhất là axit eicosapentaenoic hoặc EPA. Chúng có thể ngăn ngừa da đỏ rát, giảm dấu hiệu lão hóa da, ít nhăn ở vùng tiếp xúc với ánh nắng hơn, ít khô và mỏng da hơn. Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích và cá mòi giàu axit béo omega-3.
Omega-3 có nhiều trong các loại cá tươi. Ảnh: Freepik
Dược sĩ Hòa lưu ý thực phẩm hỗ trợ da chống nắng nhưng nên ăn đủ liều lượng và không lạm dụng. Người thường vui chơi, hoạt động ngoài trời có thể bổ sung thêm dưỡng chất thiên nhiên qua đường uống tiện lợi như pomegranate (chiết xuất từ lựu đỏ) và P. leucotomos (chiết xuất cây dương xỉ). Các tinh chất này có thể giảm tác hại của tia UV lên da, hạn chế sắc tố melanin và tổn thương da do cháy nắng.
Các tinh chất thiên nhiên như sakura (chiết xuất từ hoa anh đào), l-glutathione, collagen peptide... đẩy nhanh quá trình hồi phục da, làm mờ sạm nám, hỗ trợ thải độc cho da. Nên dùng kem chống nắng, đội mũ nón rộng vành, mắt kính khi đi ra ngoài.
Kiều Oanh