Tử Cấm Thành của Trung Quốc là quần thể cung điện được xây dựng trong khu vực có diện tích lên tới 720.000m2. Tử Cấm Thành có tới 800 cung điện và 9.999 phòng. Mặc dù rất nhiều cung điện nhưng trên thực tế, trong Tử Cấm Thành, không có vị trí cụ thể nào cho lãnh cung. Trong các ghi chép thời nhà Minh và nhà Thanh, không tài liệu nào đề cập tới “lãnh cung”, nghĩa là tên gọi này không phải để đặt cho một cung điện cụ thể nào.
Đại diện của bảo tàng Cố Cung đưa ra 2 nguyên nhân lý giải khách không được vào thăm lãnh cung.
Thứ nhất, lãnh cung gây ảnh hưởng tới cảm xúc của con người. Cụ thể, lãnh cung vốn được dùng để giam lỏng phi tần. Các phi tần, cung nữ bị đày vào đây sẽ bị cô lập với thế giới, khó có cơ hội được nhìn thấy thế giới bên ngoài. Do đó, nhiều người rơi vào tình trạng u uất, bế tắc.
Lâu dần, người bị nhốt trong lãnh cung có thể trầm cảm, thậm chí phát điên và tìm đến cái chết. Lãnh cung đã “chứng kiến” nhiều ký ức đau buồn, có thể nói là đáng sợ. Những điều này có thể gây ảnh hưởng tới du khách vì vậy lãnh cung đã trở thành “cấm địa”.
Thứ hai, tham quan lãnh cung có thể gây nguy hiểm cho du khách. Theo lời giải thích của Phổ Nghi, lãnh cung đều là những nơi rất đổ nát bởi chúng vốn đã không được các hoàng đế chú ý tu sửa. Hoàng cung quá rộng lớn, triều đình quyết định sẽ không phung phí tiền bạc tu sửa những cung điện bỏ hoang.
Do đó, những nơi từng là lãnh cung vốn tiêu điều lại càng tồi tàn, hư hỏng. Ban quản lý bảo tàng Cố Cung vì muốn đảm bảo yếu tố an toàn cho du khách nên đã quyết định đóng cửa các lãnh cung và những nơi quá cũ, đổ nát.
Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng của lịch sử Trung Quốc giải đáp trong cuốn hồi ký được viết những năm cuối đời của ông tên Nửa Đời Trước Của Tôi. Khi nhắc đến cung điện - ngôi nhà cũ của mình, vị vua cho biết thông tin khiến nhiều người phải bất ngờ: Thực tế trong Tử Cấm Thành, không tồn tại khu vực nào là lãnh cung cả.
Lãnh cung hoàn toàn không phải một khu vực nằm sâu trong cung cấm như những gì phim truyền hình thường khắc họa. Trong thực tế, lãnh cung chỉ là cách gọi chung nơi giam giữ những phi tần bị hoàng đế phế bỏ và nó có thể là bất cứ căn phòng nào ở trong các cung điện. Lãnh cung không phải là một cung điện cố định, chỉ cần là nơi thê thiếp bị giam giữ thì nơi đó được gọi là lãnh cung mà thôi.
Những phi tần bị đày vào lãnh cung có thể bị sắp xếp ở các nơi khác nhau. Ví dụ thời nhà Thanh, vua Vạn Lịch từng giam phi tần của mình trong Cảnh Dương Cung, vua Quang Tự thì từng đày Trân phi của mình vào Cảnh Kỳ Các. Khi các vị phi tần này ở đó thì người trong cung gọi đấy là lãnh cung. Đến lúc các vị phi qua đời, phòng ốc có thể được trưng dụng cho mục đích khác.
Thông tin của Phổ Nghi về sau cũng đã được Giám đốc Bảo tàng Cố Cung xác thực. Còn về số phận những căn phòng mà từng giam giữ phi tần cuối nhà Thanh thì quả thật vẫn còn nhưng không thể mở cửa đón du khách. Lý do là vì chúng đều đã bị bỏ hoang từ rất lâu, hiện trạng vô cùng tồi tàn, hư hỏng nghiêm trọng và không đảm bảo yếu tố an toàn. Việc xây dựng lại lãnh cung cũng phức tạp và khó khăn nên tốt nhất ban quản lý quyết định đóng cửa những khu vực đó.
Thu Trang (tổng hợp)